Cải cách phù hợp với sự tiến bộ sẽ được xã hội đồng thuận

Trần Quí Thanh

Nguồn ảnh: Internet.

—–

Theo dõi các kỳ họp Quốc hội, vấn đề quan tâm nhất của tui luôn là giáo dục, bởi vì tui nghĩ rằng chỉ có giáo dục mới thay đổi được đất nước này. Và có lẽ bất kỳ ai cũng nghĩ như vậy, quan điểm “giáo dục là quốc sách” được nói đến quá nhiều.

Nhưng giữa nói và làm là một khoảng cách rất xa, có khi không bao giờ gặp được nhau, giáo dục Việt Nam là một điển hình của sự không thống nhất giữa nói và làm.

Trong buổi chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại Quốc hội vừa qua, tui thấy ông Nhạ vẫn cứ nói loanh quanh, kể lể thành tích, không đi thẳng vào vấn đề, né tránh trách nhiệm. Những giải trình của ông Bộ trưởng với các đại biểu Quốc hội nghe không thuyết phục.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói: “Giáo dục ta đang trong giai đoạn quá độ, nên phải chấp nhận để đổi mới”. Nói thiệt bụng, tui không hiểu cái gọi là “giai đoạn quá độ” là cái gì, nó được lượng hoá như thế nào. Nếu như chúng ta không định lượng được thì làm sao đánh giá kết quả của giai đoạn đó như thế nào. Chính vì vậy nên đại biểu Hồ Thị Vân mới đặt câu hỏi: “Chúng ta phải đi hết bao lâu trên con đường quá độ? Đã tới đoạn nào của quá độ?”.

Thực ra là hỏi để mà hỏi thôi, bởi vì ông Phùng Xuân Nhạ chắc gì đã hiểu “giai đoạn quá độ” là gì để trả lời câu hỏi của đại biểu Hồ Thị Vân. Bằng chứng là ông Nhạ trả lời rất mông lung, không xác định được các đoạn đường quá độ cho bà con biết.

Tại sao phải quanh co như vậy? Tui nghĩ bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cứ đối diện với thực tế, nhận trách nhiệm về những việc làm chưa được và đưa ra các giải pháp, xây dựng lộ trình thực hiện các cải cách và cam kết hoàn thành. Không ai không lắng nghe, chia sẻ và đồng thuận nếu như các cải cách đó phù hợp với sự tiến bộ.

Có những việc rất cụ thể phải giải quyết như tự chủ đại học, đã tự chủ là toàn diện, để cho các trường thoát khỏi vòng kim cô của cơ quan chủ quản. Chỉ có tự do học thuật mới nâng cao học thuật, các cơ quan chủ quản, Bộ GD ĐT can thiệp quá sâu, làm ngăn cản sự phát triển, thủ tiêu sáng tạo của các trường đại học. Thử hỏi, bao nhiêu năm nay, mới có được 2 trường đại học lọt vào top 1.000 của thế giới, chuyện này ai vui chứ tui thì buồn.

4 tỉ đô la Mỹ đổ ra nước ngoài chi tiêu cho du học là số tiền quá lớn. Ngày nay phụ huynh cho con đi du học từ bậc phổ thông, không chỉ các nước lớn như Mỹ, Anh, Úc, mà Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines, bởi vì họ không tin vào nền giáo dục trong nước. Ngành giáo dục hãy làm gì đi để lấy lại niềm tin của dân chúng và để đất nước khỏi phải chảy máu ngoại tệ vì chuyện học quá nhiều như thế.

Hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp, lỗi không hoàn toàn thuộc về ngành giáo dục nhưng cũng có trách nhiệm một phần. Nói thẳng  một điều, chất lượng đào tạo đại học của Việt Nam thấp, chưa đáp ứng được với nhu cầu của xã hội, của phát triển. Hãy cải cách giáo dục đại học cho được, quá độ làm cái gì phải không bà con?

 

Sài Gòn ngày 10/06/2018

TQT

Đoc thêm bài, Link: Quá độ giáo dục đến bao giờ

(http://www.motthegioi.vn/giao-duc-c-69/cau-chuyen-giao-duc-c-108/qua-do-giao-duc-den-bao-gio-89667.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *