Sau thời gian chờ đợi kéo dầi, cuối cùng một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất của nền kinh tế Việt Nam thời gian gần đây – quản lý Uber, Grab nói riêng và kinh tế chia sẻ nói chung – cũng được đưa lên bàn nghị sự của Chính phủ.

Tại phiên họp thường kỳ ngày 8.2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã đề xuất sự cần thiết xây dựng một đề án về mô hình kinh tế chia sẻ khi vẫn chưa có các quy định pháp luật đề cập đến lĩnh vực mới mẻ này.

Về nhiều góc độ, một khung quy định pháp luật liên quan đến các mô hình kinh tế chia sẻ sẽ không chỉ giúp giải quyết các trường hợp gây tranh cãi trong nền kinh tế thời gian vừa qua như Uber, Grab mà đó còn là một trong những thước đo quan trọng để kiểm chứng tinh thần kiến tạo của Chính phủ. Một nền kinh tế ngoảnh mặt quay lưng với kinh tế chia sẻ, sẽ khó có thể tiến lên cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà trong đó, kinh tế chia sẻ là một bộ phận không thể tách rời.

Trước hết, cần phải nói ngay rằng việc cưỡng lại mô hình kinh tế chia sẻ là gần như không thể ở thời điểm hiện tại. Bất cứ ai tìm hiểu sơ qua về mô hình kinh tế mới này cũng đều biết rằng Uber hay Grab mới chỉ là điểm khởi đầu cho đợt sóng lớn mang tên “kinh tế chia sẻ” mà thôi.

Về cơ bản, kinh tế chia sẻ hiện tại bao gồm 5 lĩnh vực chính: tài chính, nghề nghiệp, dịch vụ gia đình, vận tải và lưu trú. Theo nghiên cứu của PricewaterhouseCoopers, mức chi toàn cầu trong năm 2014 cho 5 lĩnh vực nói trên của kinh tế chia sẻ đạt 15 tỉ USD, tương đương 5% tổng mức chi toàn cầu có liên quan và dự báo đến năm 2025 mức chi sẽ tăng lên 50%, tương đương 335 tỉ USD (theo The Saigon Times).

Ở Việt Nam hiện nay, ngoài lĩnh vực vận tải như Uber và Grab, mới chỉ xuất hiện thêm một lĩnh vực khác của kinh tế chia sẻ là lưu trú, cụ thể là dịch vụ chia sẻ phòng Airbnb; theo ước tính đến giữa năm 2017 Việt Nam có khoảng 6.500 cơ sở tham gia dịch vụ này.

Có thể dự đoán trong tương lai gần mức độ xâm nhập của các loại hình kinh tế chia sẻ vào Việt Nam sẽ còn nhiều hơn và lớn hơn mức hiện nay rất nhiều. Hãy lấy ví dụ từ Trung Quốc, quốc gia đang sở hữu rất nhiều công ty lớn hoạt động trong lĩnh vực kinh tế chia sẻ, từ vận tải như Didi Chuxing tương tự Uber cho đến các công ty chia sẻ xe đạp. Hầu hết trong số này đều đang dư thừa ở Trung Quốc và đang chuyển hướng mở rộng hoạt động sang các nền kinh tế Đông Nam Á như Singapore hay Thái Lan. Rất nhanh chóng, làn sóng này sẽ lan sang Việt Nam.

Không chỉ đến từ bên ngoài, sự nở rộ của các mô hình kinh tế chia sẻ còn đến ngay trong nội tại nền kinh tế Việt Nam, một khi các cá nhân và doanh nghiệp nhận ra lợi ích mà mô hình này đem lại. Sự phát triển nhanh chóng của các công ty khởi nghiệp (startup) mà Chính phủ khuyến khích trong thời gian vừa qua cũng sẽ thúc đẩy nhanh quá trình này, khi kinh tế chia sẻ luôn là một trong những lĩnh vực được quan tâm nhất của các startup mỗi khi bắt đầu khởi nghiệp.

Tiềm năng kinh tế quá lớn và nhất là tính lan tỏa không thể ngăn cản của các mô hình kinh tế chia sẻ vì thế đặt ra trước mắt Việt Nam duy nhất một lựa chọn: làm thế nào để tối ưu hóa các lợi ích kinh tế mà nó đem lại đồng thời giảm thiểu các mặt trái của nó đối với Việt Nam.

Ngay tại châu Âu, nơi đưa ra phán quyết coi Uber là một hình thức vận tải và phải tuân thủ các quy định chung (trong đó có đóng thuế), thì các nghị sĩ cũng đang kêu gọi thiết lập khung pháp lý để tối ưu các lợi ích mà kinh tế chia sẻ đem lại trong khi vẫn tuân thủ các quy định pháp luật.

Kinh tế chia sẻ, ở một góc độ nhất định cũng giống như làn sóng startup đang nở rộ trên thế giới hiện nay, ai là người nhanh chân thì sẽ thu được nhiều lợi ích hơn. Một số quốc gia trên thế giới đã sớm nhận ra điều này, điển hình là nước Anh đã đưa vấn đề kinh tế chia sẻ vào nghị sự từ năm 2015 với mục tiêu biến Anh trở thành trung tâm của khởi nghiệp và các loại hình kinh tế chia sẻ trên thế giới.

Ở Việt Nam, việc đón đầu làn sóng kinh tế mới này càng trở nên quan trọng khi chúng ta đang ở trong giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế từ mô hình tăng trưởng cũ sang các loại hình tăng trưởng mới hiện đại và ưu việt hơn. Sự đón bắt làn sóng kinh tế chia sẻ cũng phù hợp với tinh thần Chính phủ kiến tạo và hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Xét về nhiều góc độ, kinh tế chia sẻ có thể xem là một trong những hiện thân của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khi nó được dựa trên nền tảng công nghệ và tri thức. Nếu không thể nắm bắt, phát triển và tối ưu hóa lợi ích từ các mô hình kinh tế chia sẻ thì tốt nhất là nên quên giấc mơ bắt kịp cuộc cách mạng 4.0 đi.

Vì thế việc thiết lập khung pháp lý để quản lý và phát triển các loại hình kinh tế chia sẻ mà Bộ KH-ĐT đề xuất lên Thủ tướng có thể xem là một phép thử đối với quyết tâm của Chính phủ trong việc hiện đại hóa nền kinh tế, hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Nếu không thể đưa ra một cách thức hữu hiệu để quản lý mà vẫn phát triển, tối ưu hóa các lợi ích của Uber hay Grab và các loại hình kinh tế chia sẻ khác thì làm sao Chính phủ có thể thuyết phục được người dân, doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế về mục tiêu kiến tạo và hiện đại hóa nền kinh tế?

Về góc độ quản lý, vấn đề của Uber và Grab có thể thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), nhưng trên góc độ cải cách và kiến tạo thì đây lại là bài toán của toàn bộ Chính phủ. Sẽ rất khó để Bộ GTVT có thể đưa ra một nghị định cởi mở và mang tinh thần kiến tạo hơn Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải vốn bị đánh giá là siết chặt các điều kiện để phục vụ công tác quản lý nhiều hơn.

Muốn có một nghị định cởi mở hơn với Uber và Grab từ phía Bộ GTVT, trước hết Chính phủ phải thiết lập được một khung pháp lý dành cho các loại hình kinh tế chia sẻ trước đã.