Dịch Covid-19 tại Việt Nam sẽ kéo dài đến khi nào?

Nam Phương/ Báo Dân Trí

Nguồn hình: Baoquocte.vn

—–

PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, đến nay chưa có nước nào hay chuyên gia nào dám khẳng định Covid-19 sẽ trở thành như cúm mùa hay nặng lên như SARS và cũng không biết dịch sẽ kéo dài đến lúc nào.

Tính chất Covid-19 khác SARS

Đến sáng 4/5, nước ta ghi nhận 271 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 18 ngày không ghi nhận ca mắc ngoài cộng đồng. Ba ca mắc gần đây nhất đều là hai ca bệnh xâm nhập, người từ nước ngoài về được cách ly ngay khi nhập cảnh. 

Việt Nam hiện kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh song dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến hết sức phức tạp. 

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cấp cao Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế Việt Nam, Covid-19 lây theo đường hô hấp, cũng giống SARS ngày xưa. Tuy nhiên, bệnh nhân SARS phần lớn là ca bệnh nặng, phải vào bệnh viện. Chúng ta quản lý được, điều trị, cách ly hết các trường hợp bệnh. SARS không lây lan nhiều như cúm hay như Covid-19. Vì thế, bệnh chỉ chỉ tồn tại trong một số nước, khi chúng ta quản lý được thì dịch cũng hết, chỉ kéo dài vài tháng. 

PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cấp cao Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế Việt Nam. Ảnh: Chính phủ.

Ngược lại, dịch Covid-19 có rất nhiều ca bệnh không triệu chứng, ca bệnh sốt nhẹ, ho chỉ như cúm và nó có thể tồn tại trong cộng đồng và lây lan. Vì tính chất như vậy nên dịch có sự lây lan kéo dài, mà chúng ta không giải quyết được. 

Theo TS Phu, Covid-19 có điểm khác biệt so với cúm. Phần lớn các ca mắc cúm là ca bệnh nhẹ, số tử vong ít. Nó tồn tại trong cộng đồng, gây số mắc cao và tiến tới có sự mắc trong cộng đồng, theo đó con người có miễn dịch. Ca bệnh có thể tăng giảm hàng năm nhưng không gây sụp đổ cho hệ thống y tế trong điều trị. 

Covid-19 lại có những ca bệnh nhẹ, khả năng lây khó kiểm soát. Chính vì khó kiểm soát đó mà nó có tác động lâu dài. 

“Để hình thành miễn dịch cộng đồng, để bệnh duy trì ở mức chấp nhận được cho cộng đồng là rất khó. Chúng ta có thể chấp nhận ca bệnh cúm trong cộng đồng để miễn dịch của con người tăng lên, vì số mắc có thể cao nhưng tử vong không lớn. Với virus SARS-CoV-2 thì không để như thế được”, TS Phu nhấn mạnh. 

Chưa thể có câu trả lời khi nào dịch kết thúc!

Chuyên gia cũng cho biết dịch Covid-19 có thể kéo dài, chưa có văcxin thì cũng không biết được dịch sẽ kéo dài đến bao giờ. Hiện nay chưa có nước nào, chuyên gia nào dám khẳng định Covid-19 sẽ trở thành như cúm mùa hay nặng lên như SARS. 

“Trong lúc này chúng ta có sự hiểu biết nhất định về SARS-Cov-2 như thế này và phương pháp phòng chống dịch của Việt Nam vẫn là làm sao ngăn chặn, làm sao phát hiện, cách ly khoanh vùng và dập dịch. Tôi vẫn nói là như đốm lửa nhỏ đừng để bùng lên thành đám cháy lớn”, TS Phu nói. 

Theo PGS Phu, chúng ta lao động, sinh sống, học tập, làm kinh tế nhưng cũng phải đảm bảo tốt được công tác phòng chống dịch, đảm bảo sức khỏe của người dân, đặc biệt không để số mắc cao. Số mắc cao chắc chắn sẽ gây tử vong lớn. Vì thế, việc phát hiện ca bệnh đầu tiên, cách ly, khoanh vùng và dập dịch cho tốt là việc hết sức quan trọng. Đấy là trách nhiệm của mỗi địa phương trong cả nước. 

 

Nguy cơ dịch ở nước ta vẫn còn cao

“Chúng ta đã thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh nhưng chúng tôi vẫn xác định nguy cơ dịch ở Việt Nam vẫn còn cao. Chúng ta tiến hành giãn cách xã hội, chúng ta đã ngăn không cho dịch bùng phát lây lan trong cộng đồng nhưng nguy cơ vẫn còn cao vì dịch trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp. Nhiều quốc gia cũng đang phải vật lộn với tình hình dịch bệnh, số mắc hằng ngày vẫn còn nghìn ca, thậm chí có vài trăm trường hợp tử vong”, TS Phu nói.

Theo ông, nguy cơ xâm nhập dịch theo con đường nhập cảnh vẫn còn có thể. Ngoài ra, chúng ta cũng không để đảm bảo 100% không còn ca bệnh trong cộng đồng dù đã thực hiện giãn cách xã hội.

Với một ổ dịch khi phát hiện trường hợp dương tính chúng ta tiến hành phong tỏa. Toàn bộ các trường hợp dương tính, những trường hợp tiếp xúc gần gọi là F1 được đưa đi cách ly. Với những người dân còn lại chúng ta áp dụng tất cả các biện pháp để làm sao nếu còn có những người đang mang mầm bệnh thì không tiếp xúc với những người lành, cơ hội tiếp xúc ít. Cơ hội người lành tiếp xúc với người bệnh cũng ít. 

Sau 28 ngày phong tỏa thì các trường hợp bệnh nhân có triệu chứng được đưa đi đến bệnh viện. Giả sử còn trường hợp nào dương tính mà không có triệu chứng thì 28 ngày cũng tự khỏi, không còn khả năng lây bệnh. 

Nhưng trong cộng đồng, dù làm giãn cách xã hội, bất kỳ nước nào cũng thế không thể ngăn chặn 100% một ca có khả năng lây nhiễm tiếp xúc với người chưa mắc bệnh. 

“Chúng ta không biết trong cộng đồng ai còn đang mầm bệnh. Có thể còn mầm bệnh thì còn lây lan. Vì thế, nguy cơ dịch bệnh vẫn còn có thể xảy ra”, TS Phu nhấn mạnh. 

Người dân vẫn cần tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh gồm: đeo khẩu trang; không tụ tập đông người; không đi ra ngoài khi không cần thiết đặc biệt là người già, người có bệnh nền; tránh tiếp xúc gần; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; khai báo y tế…

NGUỒN:  Theo Báo Dân Trí

Link bài: Dịch covid…

(https://dantri.com.vn/suc-khoe/dich-covid-19-tai-viet-nam-se-keo-dai-den-khi-nao-20200504143534513.htm)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *