Đồng bằng sông Cửu Long ốm thì cả nước cũng yếu

Bùi Trinh/ Báo TBKTSG

Dòng Mêkông cách đập Xayaburi hơn 297 ki lô mét trong tình trạng khô nước nghiêm trọng (ảnh chụp ngày 28-10-2019). Nguồn: National Geographic.

—–

Nhìn những bức ảnh dòng sông Mekong khô cạn trên tạp chí National Geographic, ai cũng phải lo lắng cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long của nước mình.

Các nước phía thượng nguồn làm đập thủy điện, tích hết nước, vùng hạ lưu khô kiệt, như cha ông nói “thượng điền tích thủy hạ điền khan”. Các nước vì lợi ích của họ, không quan tâm gây ảnh hưởng tiêu cực đến các quốc gia khác.

Ngày 20.2 vừa qua, Trung Quốc tuyên bố sẽ xả nước các đập thủy điện của mình trên sông Mekong với mục đích giúp các nước hạ nguồn đối phó với khô hạn. Thông tin cũng tích cực, nhưng nghe ra đau xót, vì Việt Nam hoàn toàn bị thụ động, cứu được hạn mặn cho Đồng bằng sông Cửu Long hay không lại phụ thuộc vào lòng tốt của người khác.

Mỗi năm, mặn xâm nhập càng sâu, ảnh hưởng đến tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, và cũng từ đó tác động tiêu cực đến tăng trưởng của cả nước. Và điều chúng ta nhìn thấy rất rõ là nguy cơ bị xâm nhập mặn không dừng lại, mà khả năng còn nghiêm trọng hơn.

Dòng Mekong bị chặn làm thủy điện gây khô hạn ở hạ lưu là một phần, phần khác là Việt Nam nằm trong nhóm bị ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu, nước biển dâng và Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng nhiều nhất. Những trận sạt lở đất vừa qua ở một số địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long báo hiệu về những tổn thương còn nghiêm trọng hơn để các nhà quản lý đưa ra phương án ứng phó.

Thiên tai, địch họa đến từ nhiều phía, chỉ còn cách duy nhất là đối diện với thực tế và chủ động chống đỡ. Không thể trồng cây lúa, nuôi con cá khi đất bị nhiễm mặn, thì phải thay đổi “vật nuôi, cây trồng” cho phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu. Chuyện lớn này phải cậy nhờ đến tài năng của các nhà khoa học nước nhà.

Trần Quí Thanh

—–

Theo Tổng cục Thủy lợi, tình hình xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm nay sẽ xảy ra sớm hơn, sâu hơn và nghiêm trọng hơn năm 2015-2016. Tình hình này còn diễn biến phức tạp dưới tác động của tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu và việc chặn dòng ở thượng lưu làm thủy điện của các nước thượng nguồn sông Mêkông.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng bảy con đập mà Trung Quốc xây dựng tại thượng nguồn sông Mêkông đã khiến chúng làm giảm lượng trầm tích chảy xuống hạ lưu. Hiện nay tại vùng ĐBSCL có khoảng 500 điểm dài hàng chục ki lô mét ven sông và ven biển bị sạt lở nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến diện tích canh tác và đời sống ổn định của người dân.

Từ năm 2007-2018, tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước luôn tăng và tốc độ tăng ngày càng cao. Giai đoạn 2007-2012, trung bình mỗi năm tăng 5,8%; giai đoạn 2013-2018 trung bình tăng 6,4%. Tuy nhiên, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) vùng ĐBSCL ngày càng giảm.

Giai đoạn 2007-2012, GRDP của ĐBSCL tăng trung bình 5,7%, thấp hơn cả nước 0,1 điểm phần trăm; đến giai đoạn 2013- 2018, trung bình mỗi năm chỉ tăng 5,5%, thấp hơn 0,9 điểm phần trăm.

Nhìn vào tốc độ tăng từng năm có thể thấy, trước năm 2015 GRDP vùng ĐBSCL gần với xu hướng tăng trưởng của GDP cả nước. Từ năm 2016, mốc lịch sử của biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế khu vực này, GRDP vùng có biến động giảm mạnh nhưng đã khắc phục rất thành công ở những năm tiếp theo.

Năm 2017, tốc độ tăng của GRDP chỉ còn 3,5%, thấp hơn cả nước tới 3,3 điểm phần trăm; năm 2018, tốc độ tăng GRDP lên đến 8,7%, cao hơn cả nước 1,6 điểm phần trăm. Đây là những nỗ lực lớn của ĐBSCL trong việc khắc phục hậu quả nghiêm trọng do thiên tai gây ra.

Bảng cân đối liên vùng giữa ĐBSCL và phần còn lại của Việt Nam cho thấy khi cầu tăng lên 1 đơn vị sẽ tác động làm giá trị sản xuất của khu vực ĐBSCL tăng lên trung bình 2,12 đơn vị; khu vực khác là 1,93 đơn vị.

Nhóm ngành nông, lâm, thủy sản giảm 10%, GRDP của vùng ĐBSCL có thể giảm 1,84%, GDP cả nước có thể giảm 0,09%.

Nếu nhóm ngành nông, lâm, thủy sản giảm 15% thì GRDP vùng giảm 2,75% và GDP cả nước giảm 1,2%. Nếu nhóm ngành này giảm 20%, GRDP vùng giảm 3,7% và GDP cả nước giảm 1,7%.

Như vậy có thể thấy môi trường ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, nếu chỉ lao vào tăng trưởng GDP sẽ có những hậu quả nghiêm trọng về môi trường từ đó ảnh hưởng ngược lại đến niềm say mê GDP.

Trong đó, tác động nội vùng của ĐBSCL là 1,81 đơn vị; tác động trở lại nhu cầu sản xuất của vùng khác là 0,06 đơn vị và tác động lan tỏa đến phần còn lại của Việt Nam là 0,25 đơn vị. Trong khi đó, tác động nội vùng của phần còn lại của Việt Nam là 1,86 đơn vị, tác động trở lại nhu cầu sản xuất của vùng khác là 0,01 đơn vị và tác động lan tỏa đến khu vực ĐBSCL là 0,05 đơn vị.

Điều này cho thấy sản phẩm của ĐBSCL lan tỏa đến sản xuất của khu vực khác tốt hơn phần còn lại của Việt Nam lan tỏa đến ĐBSCL. Đặc biệt sự lan tỏa của xuất khẩu của ĐBSCL đến thu nhập cao nhất so với các vùng khác.

Vùng ĐBSCL là khu vực có độ lan tỏa và độ nhạy khá cao, đặc biệt là độ lan tỏa của nhóm ngành nông, lâm thủy sản đến chính nó và các vùng khác. Chẳng hạn như năm 2016 hạn hán và xâm nhập mặn khiến sản lượng nông nghiệp giảm mạnh, sử dụng bảng cân đối liên vùng ước lượng suy giảm về GRDP của vùng ĐBSCL và GDP cả nước, cho thấy giả sử nhóm ngành nông, lâm, thủy sản giảm 10%, GRDP của vùng ĐBSCL có thể giảm 1,84%, GDP cả nước có thể giảm 0,09%.

Nếu nhóm ngành nông, lâm, thủy sản giảm 15% thì GRDP vùng giảm 2,75% và GDP cả nước giảm 1,2%. Nếu nhóm ngành này giảm 20%, GRDP vùng giảm 3,7% và GDP cả nước giảm 1,7%.

Như vậy có thể thấy môi trường ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, nếu chỉ lao vào tăng trưởng GDP sẽ có những hậu quả nghiêm trọng về môi trường từ đó ảnh hưởng ngược lại đến niềm say mê GDP. Hạn hán và ngập mặn không chỉ đối với ĐBSCL mà còn có thể xảy ra với các vùng khác dù với bất kỳ lý do chủ quan hay khách quan cũng đều rất cần có sự quan tâm của các cơ quan chức năng, không chỉ với riêng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

NGUỒN:  Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Link bài: Đồng bằng sông Cửu Long… 

(https://www.thesaigontimes.vn/td/300337/dong-bang-song-cuu-long-om-thi-ca-nuoc-cung-yeu-.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *