Hành trình khởi nghiệp với 7.500 USD của tỷ phú Terry Gou

Ngọc Tú/ Báo DĐDN
 
 
—–
 

Hành trình khởi nghiệp của Terry Gou là động lực tinh thần cho hàng triệu thanh niên trẻ trên thế giới.

Với sự chăm chỉ và ý chí quyết tâm, Gou đã từ hai bàn tay trắng biến Foxconn từ một xưởng gia công tư nhân nghèo nàn thành doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất không phải của Trung Quốc và biến bản thân thành người giàu nhất Đài Loan với tài sản trị giá 5,5 tỷ USD.

Là con cả trong một gia đình gốc tỉnh Sơn Tây, năm 1949, gia đình Gou chạy sang Đài Loan (Trung Quốc). Năm 1974, 23 tuổi, sau ba năm học nghề, Terry Gou thuê một căn nhà nhỏ ở khu ngoại ô thưa thớt của Đài Bắc để ở và làm kế toán cho một công ty tàu biển. Sau 2 năm làm việc, Gou nhận ra tiềm năng phát triển khổng lồ của thị trường xuất khẩu Đài Loan và quyết định nhập cuộc. Với 7.500 USD vay của mẹ mình làm vốn ban đầu, ông mua một vài máy dập khuôn plastic và bắt đầu nhận gia công nút bấm chuyển kênh cho TV đen trắng. Khách hàng đầu tiên của ông là Admiral TV, một công ty có trụ sở tại Chicago. Sau đó, ông nhanh chóng nhận được đơn đặt hàng từ RCA, Zenith và Philips. 

Dường như dự đoán được những thành công của mình trong tương lai, Gou đã bắt đầu tập kí tên mình bằng tiếng Anh nhiều lần đến mức thành thục thì thôi. Ông vẫn tự hào về nó cho tới ngày nay, trong buổi phỏng vấn, ông đi ngang qua chiếc bảng trắng và ký một chữ với kiểu cách hoa lá của một cậu học trò phổ thông. Nó giống như một dòng chữ thảo từ trên bảng tên cuối của I Love Lucy.

Suốt 6 năm đầu tiên, Hon Hai không có gì nổi bật. Phải tới năm 1980, bước ngoặt mới thực sự tới với công ty khi nhận hợp đồng từ Atari để sản xuất tay cầm trò chơi điện tử. Đó cũng là thời điểm là Terry Gou thực sự đẩy mạnh hoạt động kinh doanh của mình.

Những năm 1980, Terry Gou có chuyến đi đặc biệt tới Mỹ, khi đi thăm 32 bang của nước này trong suốt 11 tháng ròng. Ông tới đó với các công ty sở tại mà không có một lời báo trước, giống như một người bán hàng tới gõ cửa từng nhà, trên một chiếc xe ‘rộng và an toàn’ mang nhãn hiệu Lincoln Town Car đi thuê ở mỗi thành phố. Một lần, để tiết kiệm chi phí, Gou ngủ ở ghế sau. Tại Raleigh, N.C., ông đã tự đặt một phòng ở một khách sạn bên đường, ở gần một văn phòng của IBM. Sau ba ngày loanh quanh, cuối cùng ông đã có một cuộc hẹn quan trọng và ra khỏi văn phòng IBM với hợp đồng đặt hàng cho connector mà công ty ông cung cấp. “Đó là một trong những người bán hàng tốt nhất trên thế giới”, Max Fang, người từng là giám đốc mua sắm của Dell tại châu Á, người từng làm ăn và là bạn đánh golf thường xuyên của Gou, nhận xét. “Ông ấy rất năng động và luôn luôn khiến cho bạn bị thuyết phục”.

Khi thị trường lao động của Đài Loan đã bắt đầu bị thu hẹp dần trong thập niên 1980 và lương tăng, các nhà sản xuất bắt đầu chuyển tới Malaysia, Philippines và Thái Lan. Mặc dù Trung Quốc ở ngay bên cạnh và mở ra khả năng cung cấp lao động giá rẻ không giới hạn, nhưng rất ít công ty dám chuyển tới đó bởi hạ tầng lạc hậu và một chính phủ với những chính sách chưa rõ ràng là rào cản khiến họ không dám mạo hiểm. Nhưng Gou không cảm thấy nao núng, khi ông mở một phân xưởng gần khu ngoại ô đầy bụi của Thẩm Quyến gần biên giới với Hồng Kông, ở đó có những nhà máy sản xuất hàng may mặc, giầy dép và đồ chơi trẻ em giá rẻ mọc lên như nấm. Điều kiện chính trị đòi hỏi phải rất khéo léo. Chính phủ Bắc Kinh vẫn coi Đài Loan là một trong các tỉnh của họ và sự  sát nhập về với lục địa là cần thiết – kể cả trong trường hợp phải sử dụng vũ lực.

Năm 1991, Gou đưa công ty lên Sàn chứng khoán Đài Bắc để huy động vốn mở rộng quy mô sản xuất vào thị trường Trung Quốc. Gou thấy trước rằng Trung Quốc sẽ trở thành công xưởng của thế giới nên quyết định đầu tư lớn vào các cơ sở sản xuất ở Long Hoa. Gou cũng nhận thấy rằng muốn duy trì một đội ngũ lao động ổn định thì cần phải cung cấp cho họ nhà ở, thực phẩm và dịch vụ y tế. Ông xây dựng khuôn viên nhà máy ở Long Hoa thành một thành phố thu nhỏ, thậm chí có cả các trang trại chăn nuôi để cung cấp thực phẩm. Sáng kiến này đưa Gou đi trước các đối thủ của ông một bước.

Năm 1996, Gou đề xuất sản xuất máy tính để bàn cho Compaq với chi phí chỉ bằng một phần chi phí Compaq tự sản xuất. (Compaq hiện đã sáp nhập với HP). Quá bất ngờ với mức giá cạnh tranh, lãnh đạo Compaq cử đại diện tới nhà máy Foxconn để tìm hiểu, và họ đã rất ấn tượng với dây chuyền sản xuất nhịp nhàng ở đây. Dây chuyền lớn được chia thành nhiều dây chuyền nhỏ. Tất cả những gì công ty đặt hàng phải làm là vận hành bảng mạch chính, CPU và bộ nhớ. Các đối tác phương Tây gọi dây chuyền của Terry là cuộc cách mạng định hình dây chuyền sản xuất máy tính hiện đại.

Năm 1998, Foxconn tiếp tục giành được hợp đồng cung cấp bộ khung máy tính cho IBM, HP và Apple, góp phần làm thay đổi cả nền công nghiệp. Khi Gou lần đầu tiên giành được đơn đặt hàng từ Dell để sản xuất bộ khung máy tính để bàn cho họ, Dell thuyết phục ông làm việc đó tại Mỹ, là nơi gần với thị trường cuối cùng. Và Gou cũng đồng ý. “Tôi đã mua một nhà máy ở Kansas City. Chúng tôi cần phải có ngay những phân xưởng chế tạo và lắp ráp ở đó”, Gou nói. “Nhà máy đó đã gây ra những thiệt hại về mặt tiền bạc, nhưng Terry phải xây dựng nó để đáp ứng những yêu cầu của Dell tuy bản thân ông không muốn”, Fang nhớ lại. “Với Foxconn, họ đã mua một tấm vé để trở thành đối tác của Dell”. (Các lãnh đạo của Dell đã từ chối bình luận về câu chuyện này).

Foxconn là cái tên dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất đồ điện tử khi đó. Ngay từ năm 2010, công ty có trụ sở tại Tucheng, thành phố Tân Đài Bắc, Đài Loan đã là nhà cung cấp dịch vụ sản xuất điện tử lớn nhất thế giới, là công ty công nghệ lớn thứ 3 tính theo doanh thu và là nhà tuyển dụng lớn nhất ở Đài Loan đồng thời cũng đứng trong top đầu thế giới. Foxconn sản xuất các sản phẩm điện tử cho các công ty lớn của Mỹ, Canada, Trung Quốc, Phần Lan và Nhật Bản. Các sản phẩm đáng chú ý do Foxconn làm ra bao gồm BlackBerry, iPad, iPhone, iPod, Kindle, các thiết bị của Xiaomi hay hàng loạt các sản phẩm nằm trong lĩnh vực đồ chơi điện tử khác.

Tính đến năm 2012, các nhà máy của Foxconn ước tính sản xuất ra khoảng 40% số hàng điện tử tiêu dùng được bán trên toàn thế giới. Tuy nhiên, sản phẩm gắn liền với tên tuổi của Foxconn vẫn là những chiếc iPhone với nhiều năm đồng hành cùng Apple.

Tới tháng 7/2019, Foxconn đã thông báo một chủ tịch mới thay thế vị trí của nhà sáng lập Terry Gou. Đó là Young Liu, người từng đảm trách cương vị Phó chủ tịch Foxconn đồng thời cũng là giám đốc bộ phận bán dẫn của công ty.

Với những gì đã diễn ra, rõ ràng người kế nghiệp mà ông Gou chọn không phải một thành viên trong gia đình. Trước đó, người ta từng kể lại rằng ông Gou có làm chung với người em trai trong nhiều năm. Được coi là người gần gũi với gia đình nhưng Gou luôn rất rạch ròi trong công việc và cá nhân. Ông cũng từng mắng em trai như mắng những nhân viên dưới quyền khác. Người em trai này sau đó cũng tách ra thành lập công ty của riêng mình.

Theo Forbes, tính tới 18/12/2020, tài sản ròng của ông Gou là 7,1 tỷ USD và là người giàu thứ 293 trên thế giới.

NGUỒN:  Theo Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp
Link bài: Hành trình…
https://enternews.vn/hanh-trinh-khoi-nghiep-voi-7-500-usd-cua-ty-phu-terry-gou-188004.html
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *