Không bao giờ chấp nhận người quỳ lạy

Trần Quí Thanh

Thầy cô giáo quỳ xin chính quyền đừng đóng cửa trường (Ảnh cắt từ clip đăng trên mạng xã hội, nguồn: Vietnamnet.vn)

—–

Các bạn suy nghĩ như thế nào khi nhìn hình ảnh một số thầy cô giáo quỳ xin chính quyền đừng đóng cửa trường ở Thanh Chương, Nghệ An? Còn tui, nói thiệt bụng, buồn đến ứa nước mắt.

Sống gần hết kiếp người, tui chưa từng chứng kiến, hoặc nghe về chuyện thầy cô giáo phải quỳ lạy để đừng mất việc làm, nói thẳng luôn là vì miếng cơm manh áo. Buồn là vì vậy.

Tui nghĩ, các thầy cô ở đây có nhiều cách để trình bày nguyện vọng, thậm chí cả cách phản đối, đấu tranh, đòi công bằng. Nhưng các thầy cô lại chọn cách quỳ. Thầy cô là công dân trong xã hội dân chủ, hãy cứ đối thoại với chính quyền, thầy cô đâu phải là con sâu cái kiến, là thần dân trước vua chúa nên không thể quỳ lạy.

Bạn cứ thử đặt mình vào trường hợp một ông chủ, có ai đó quỳ lạy dưới chân bạn chỉ vì để có một công việc, bạn có tôn trọng người đó không? Câu trả lời dành cho bạn. Còn bản thân tui thì không chấp nhận bất cứ ai quỳ gối vì bất kỳ lý do gì. Thà tui nhận một người đập bàn quát vào mặt tui chứ không bao giờ nhận người quỳ lạy xin tui.

Và từ chuyện đau lòng này, có thể nhìn thêm ở khía cạnh quản lý giáo dục ở các địa phương. Khi một tổ chức tư nhân xin phép mở cơ sở giáo dục, hãy tạo điều kiện tối đa cho họ hoạt động. Kêu gọi xã hội hóa giáo dục nhưng lại không tạo cơ chế hành chính thông thoáng, lành mạnh thì biết bao giờ mới thực hiện được chủ trương tốt đẹp này một cách có hiệu quả. Để kéo dài hồ sơ xin phép, ngâm thủ tục, có thể vì lý do gây khó khăn để nhũng nhiễu, thì sẽ đẩy đến những hệ lụy khác và vụ giáo viên quỳ lạy chính quyền là một ví dụ.

Cho dù đổ lỗi cho ai, nhưng khi để xảy ra một vụ như thế này thì hình ảnh của ngành giáo dục bị ảnh hưởng tiêu cực. Cộng đồng xã hội nhìn về ngành nghề sư phạm với con mắt xem thường, và đặc biệt là học sinh, con cái chúng ta sẽ không tôn trọng thầy cô như các cháu đã từng được dạy dỗ.

Thật khó nói đến “tôn sư trọng đạo” khi chính người thầy thiếu sự tôn trọng về phẩm giá của chính mình.

Chỉ mới đây thôi, ở Long An ồn ào vụ phụ huynh bắt cô giáo quỳ, rồi phụ huynh xông vào trường ép một nữ thực tập sinh quỳ xin lỗi ở Nghệ An, và nay là tập thể thầy cô giáo quỳ lạy chính quyền. Chúng ta đang rao giảng về giáo dục trong thời đại 4.0 nhưng vẫn còn những vụ việc quá tăm tối xảy ra trong ngành giáo dục.

Hãy trả lại giá trị “tôn sư trọng đạo” cho ngành giáo dục trước khi tạo ra giá trị gì mới.

 

Sài Gòn ngày 17/06/2018

TQT

 Đọc thêm bài,Link: Thầy cô phải quỳ, ai đứng?

(http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Thay-co-phai-quy-ai-dung-post187148.gd)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *