Trần Quí Thanh
—–
Thưa bác,
Cháu rất thích bài viết của bác: “Không sếp nào lại ghét nhân viên tốt”. Lời khuyên của bác thật chí lí chí tình. Nhưng thưa bác, thực tế một số nhân viên gặp khủng hoảng sự nghiệp, họ cảm thấy nhàm chán và không tìm thấy cơ hội phát triển bản thân sau nhiều năm làm việc tại công ty.
Khi đó sếp phải làm gì để giải toả cho các nhân viên đó, thưa bác?
Chúc bác khoẻ và mong bác trả lời
Nguyễn Thị Hải Lưu (Quy Nhơn): hailuu_nguyenthi_90@gmail.com
—–
Hải Lưu mến!
Một môi trường làm việc tốt là môi trường mà bất cứ ai cũng tìm thấy được cơ hội thăng tiến. Cháu phải hiểu thăng tiến ở đây không phải là lên những vị trí cao trong doanh nghiệp, mà tuỳ thuộc vào năng lực của từng người, lãnh đạo doanh nghiệp tạo cho họ điều kiện tối đa để phát triển, để thay đổi theo hướng tích cực. Tuy nhiên trên thực tế, không phải ai cũng thay đổi được vị trí làm việc của mình, có không ít người cứ giậm chân tại chỗ.
Những người làm việc lâu năm, nhưng không có được vị trí tốt, trong khi đồng nghiệp khác đến sau mình lại vượt qua, làm sếp mình, thì họ sẽ chán nản, khủng hoảng tâm lý dẫn đến tình trạng làm việc năng suất thấp hơn, suy nghĩ tiêu cực hoặc bỏ đi tìm việc ở nơi khác. Nếu những nhân viên đó là người làm việc không tốt thì không ảnh hưởng đến doanh nghiệp, nhưng nếu họ là người có kinh nghiệm, họ không có tố chất quản lý nhưng là người có chuyên môn cao, kỹ năng xuất sắc, thì đó là một thiệt hại cho doanh nghiệp. Ví dụ, trong công ty của bác, có nhiều công nhân kỹ thuật không có bằng đại học để làm xưởng trưởng, nhưng lại có kinh nghiệm của ông thợ cả, đây là nguồn tài nguyên quý giá không thể để mai một hoặc mất đi.
Chính vì vậy, người làm sếp phải có cách quản trị nhân sự khoa học và nghệ thuật, để giữ được người có năng lực, không để họ có nhũng suy nghĩ tiêu cực cho dù không được thăng tiến như mong muốn. Bác nói thiệt nhé, chức vụ trong một tổ chức hay một doanh nghiệp thì ít, nếu ai cũng thăng tiến lên làm lãnh đạo hết thì lấy ai làm lính. Vậy thì, việc của người lãnh đạo cao nhất là làm sao để từng nhân viên đều thấy vui vẻ, thoả mãn với công việc và vị trí công tác của mình.
Giả sử cháu đứng đầu doanh nghiệp, không có nhiều vị trí bổ nhiệm cho nhân viên để họ thấy mình được thăng tiến, thì cháu có nhiều vị trí để thay đổi. Con người ta thường không thích có cuộc sống nhàm chán, lặp đi lặp lại như cổ máy. Họ sẽ không còn hứng thú để sáng tạo, thậm chí coi thường công việc vì cho rằng mình quá thuần thục. Nhưng khi cháu thay đổi vị trí công tác, họ sẽ thấy mới mẻ hơn, có nhiều thứ để thử thách hơn, và từ họ, cháu sẽ tìm được nhiều sáng kiến. Tất nhiên, cũng không loại trừ có những người ù lì, chỉ muốn nằm trong vùng an toàn, không bao giờ muốn thay đổi.
Có những người khoái xê dịch, không muốn ở yên một chỗ, thì cũng với công việc cũ, nhưng người làm sếp nên thay đổi cho họ một không gian làm việc mới. Đối với các doanh nghiệp lớn, công ty đa quốc gia, họ có thể chuyển nhân viên từ chi nhánh này sang chi nhánh khác, từ nhà máy này sang nhà máy khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác, kèm theo những điều kiện hỗ trợ cho sự thay đổi, thì nhân viên rất thích thú. Theo bác biết, một giám đốc của Văn phòng Nike tại Việt Nam, thường chỉ làm một nhiệm kỳ, lại được chuyển sang một nước khác, công việc tương tự ở thị trường Trung Quốc hay Indonesia, nơi có các nhà máy của các đối tác của Nike hoạt động.
Một việc khác cũng rất quan trọng là tạo điều kiện cho những nhân viên này được học hành, bổ sung kiến thức, làm mới tư duy. Đây là một sự thay đổi quan trọng, tuy họ không thăng tiến về chức vụ, nhưng họ thấy công ty đã cho mình cơ hội thăng tiến về kỹ năng, kiến thức. Các khoá đào tạo trong nước, nước ngoài là cơ hội để họ tham gia. Doanh nghiệp có thêm nhân viên chất lượng cao, còn bản thân họ thấy mình được tôn trọng, được đãi ngộ xứng đáng.
Chúc cháu có cơ hội thăng tiến và nếu làm sếp thì biết cách ứng xử với những người không thăng tiến.
Trần Quí Thanh
(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)