Tin đồn thời thế giới phẳng

Phạm Hải Chung/ Báo TBKTSG


—–

Từ khi bùng phát dịch COVID – 19, đã có nhiều trường hợp bị xử phạt hành chính vì lan truyền tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội. Điều này cho thấy, tin đồn luôn có đất sống, và khi có những sự kiện hay vụ việc lớn xảy ra, thì tin đồn bùng phát cũng như dịch bệnh.

Và thời đại của Internet, mạng xã hội càng làm cho tin đồn tăng cấp số nhân cũng như lây nhiễm dịch COVID-19.

Người ta thường tung tin đồn liên quan đến điều xấu xa, tiêu cực, ác ý. Vì sao vậy, vì có nhiều người chỉ thích đọc, thích nghe, thích rỉ tai những chuyện như vậy. Thật đau lòng khi số người có ác tâm chiếm tỉ lệ khá nhiều trong xã hội, hãy cứ quan sát mạng xã hội sẽ thấy rõ điều này.

Mắng chửi, làm tổn thương người khác là khoái cảm, là sự hả hê của không ít người. Có lẽ phải nghiêm túc nhìn nhận đây là một căn bệnh của xã hội, một chứng nan y về méo mó nhân cách của các cá nhân dẫn đến sự lây nhiễm ra cộng đồng.

Ai cũng có thể trở thành nạn nhân của tin đồn, nhưng người của công chúng, doanh nhân, chính khách là đối tượng dễ bị tấn công nhất. Nhiều người vẫn cho rằng, tấn công vào người nổi tiếng thì họ cũng sẽ nổi tiếng, trang cá nhân của họ có nhiều like, nhiều follow, cho nên càng thúc giục họ bịa đặt tin dồn hoặc share tin đồn.

Điều nguy hiểm là họ cố ý, mượn một cớ, một chút sự thật để biến nó thành “bản tin”, thật giả lẫn lộn. Hay nói đúng hơn một phần thật, chín phần giả.

Và nhiều người thích nghe điều họ muốn nghe hơn là nghe sự thật, tin vào cái họ muốn tin hơn là thông tin khách quan. Cho nên tin đồn cứ thế mà hoành hành, hại chết biết bao nhiêu doanh nghiệp, làm tổn thương biết bao nhiêu con người, làm rối loạn xã hội khi có những vấn đề liên quan đến cộng đồng như dịch COVID-19 hiện nay.

Xin lấy ví dụ khi có trường hợp nữ sinh ở Huế bị tử vong vì một bệnh khác, nhưng có liên quan đến đường hô hấp nên chính quyền địa phương đưa bệnh phẩm đi xét nghiệm để đề phòng, nếu bệnh nhân này nhiễm virus SARS-CoV-2 thì phải khoanh vùng kiểm soát dịch tễ. Tuy nhiên, cả hai cơ sở là Bệnh viện Trung ương Huế và Viện Pasteur  Nha Trang cho ra  kết quả âm tính với COVID-19. Thông  báo rõ ràng như vậy, nhưng có nhiều người vẫn lên mạng tung tin rằng đó là kết quả giả, chính quyền giấu dịch.

Và tin đồn cứ lan truyền, người ta share tin nhưng không mấy ai động não hỏi rằng, vậy thì các bác sĩ, chính quyền địa phương giấu một trường hợp bị nhiễm dịch để làm gì, vì mục đích gì?

Pháp luật của Việt Nam đã điều chỉnh hành vi tung tin sai sự thật, nhưng mức xử phạt còn quá nhẹ. Để hạn chế dịch bệnh tin đồn, theo tui nên sửa đổi,  bổ sung thêm quy định để điều chỉnh hành vi này, đặc biệt là tăng mức xử phạt  hành chính lên gấp nhiều lần so với hiện nay.

Trần Quí Thanh


—–

Ngày còn rất nhỏ, tôi và những đứa trẻ gần nhà rất sợ một anh gù. Mỗi lần anh đi qua là tất cả bọn trẻ đều tìm chỗ núp kín đáo nhất. Tôi thậm chí còn từ chối đi theo mẹ nếu như con đường mẹ đi qua khu vực của anh gù sống. Căn nguyên không phải bởi vì anh bị gù, mà anh đã trở thành một hình tượng để cho những người lớn trong khu xóm đó dọa trẻ con với một lời đồn tai ác: nếu không ngoan sẽ bị anh gù bắt bán đi.

Anh vô tình trở thành một hình tượng xấu, một kẻ bắt cóc trẻ con trong tâm trí chúng tôi. Với trí tưởng tượng của những đứa trẻ cách đây 30 năm, anh là một cái gì đó rất xấu.

Sau này lớn lên tôi mới biết anh là người rất tội nghiệp và sao chúng tôi có thể nhiều tưởng tượng tác động đến vậy về anh.

Đó là do người lớn vô tình tạo ra nhằm dọa dẫm lũ trẻ chúng tôi. Họ nghĩ điều đó vô hại, nhưng với chúng tôi những điều đó luôn ám ảnh tâm trí và xuất hiện nhiều trong cả những giấc mơ.

Điều mà sau này tôi nói nhiều trong các bài giảng của mình, bất kỳ một ai ngây thơ, vô tội đều có thể trở thành trung tâm của tin đồn và tâm bão của khủng hoảng.

Chứ không hẳn như chúng ta hay nghĩ: có lửa mới có khói.

Tin đồn là một hình thức truyền thông phổ biến và không thể tránh khỏi trong mọi xã hội và ở mọi thời điểm lịch sử. Nội dung của tin đồn có thể bao gồm từ thông tin đơn giản thất thiệt tới tin giả. Sự lan truyền của chúng tác động tới nhiều vấn đề của con người. Ở diện rộng, sự lan truyền đó có thể định hình dư luận ở một quốc gia, tác động đến thị trường tài chính hay thậm chí gây sự hoảng loạn trong các cuộc chiến tranh và dịch bệnh bùng phát.

Năm 2007, thị trường chuối hoàn toàn sụp đổ tại Trung Quốc sau một tin đồn kỳ quái cho rằng chuối chứa một loại virus tương tự SARS – căn bệnh về đường hô hấp đã giết chết gần cả ngàn người trên toàn thế giới. Giá chuối giảm mạnh tới 90%, người trồng phá sản. Các nhà sản xuất ở Hải Nam nói rằng sự sụt giảm đó khiến họ mất tới 20 triệu nhân dân tệ (2,6 triệu đô la Mỹ) mỗi ngày.

Năm 2008, giá cổ phiếu Apple đã giảm mạnh vào một buổi sáng thứ Sáu sau lời đồn người sáng lập và CEO Steve Jobs bị đau tim. Mặc dù tin đồn sau đó được đính chính và gỡ bỏ, nhưng giá cổ phiếu này rớt 10% trong 10 phút, gây thiệt hại không nhỏ với công ty.

Nhiều học giả coi tin đồn là sự lây nhiễm của tâm trí và sự lan truyền của lời đồn tương đồng với bệnh dịch. Tuy nhiên mô hình và động lực lan truyền luôn là một ẩn số với đám đông. Một mô hình do học giả Daley Ther Kendal đưa ra cho thấy trong một quần thể khép kín và đồng nhất được chia ra làm ba nhóm người, gồm những người không biết gì về tin đồn; những người đã nghe và chủ động truyền bá nó; những người đã nghe nhưng đã ngừng lan truyền nó. Tin đồn được lan truyền bởi các liên hệ trực tiếp của người truyền bá với những người khác trong đám đông. Tin đồn ở thời đại nào cũng tồn tại, và là dạng thức hiện hữu trong đời sống con người.

Những cuộc khủng hoảng do tin đồn thất thiệt, tin giả đã xảy ra từ rất lâu trong lịch sử. Tuy nhiên với sự bùng nổ của Internet và mạng xã hội thì nhóm người đã nghe và chủ động truyền bá nó sẽ tăng theo cấp số nhân và lấn át hai nhóm còn lại trong mô hình của Kendal. Sự thật, một nửa của sự thật và tin giả luôn được trộn lẫn trong nguồn thông tin ngập tràn mà chúng ta tiếp cận. Tin đồn tiêu cực bao giờ cũng được lan truyền nhanh và phát tán rộng hơn là những tin đồn tích cực, bởi nó kích thích tâm lý và cảm xúc của đám đông với nhiều mục đích khác nhau.

Như đã biết, từ khóa của năm 2016 là post-truth (sự thật chủ quan – tạm dịch). Chúng ta đang chuyển đổi từ xã hội của sự thật (society of truth) sang xã hội của thông tin (society of information), người dùng tự chọn sự thật dựa vào niềm tin của mình. Đây là một từ khóa miêu tả xác đáng thời đại chúng ta đang sống và giao tiếp. Đặc biệt trong đại dịch Covid-19, những thông tin thất thiệt đã tác động rõ rệt tới mỗi người trên toàn cầu những ngày vừa qua, gây ra một tâm lý hoang mang và tác động tới xã hội.

Việc chung sống, ứng xử phù hợp với tin đồn hay cấp độ cao hơn là đối phó với tin giả sẽ ngày càng đòi hỏi kỹ năng kiểm chứng và tư duy phản biện của người dùng. Điều đó cũng cần đến sự hỗ trợ của các nhà cung cấp nền tảng, sự hậu thuẫn của hệ thống pháp lý, nền tảng giáo dục tương thích và một nền báo chí thượng tôn sự thật.

Người Do Thái có một câu tôi khá tâm đắc: “Những gì bạn không nhìn thấy bằng mắt, đừng chứng kiến bằng miệng”. Bởi lời đồn đến người khôn sẽ hết. 

 

NGUỒN:  Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Link bài: Tin đồn…

(https://www.thesaigontimes.vn/301229/tin-don-thoi-the-gioi-phang.html)

1 (20%) 1 vote

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *