Từ vụ Peppa Pig – ứng phó thế nào với vi phạm quyền nhãn hiệu ở Trung Quốc?

Lê Thị Thiên Hương/ Báo TBKTSG

Tháng 3 vừa rồi, chủ sở hữu nhãn hiệu “Peppa Pig” – cô bé heo đáng yêu quen thuộc với hàng triệu bạn nhỏ trên thế giới – vừa được tòa án Thượng Hải (Trung Quốc) xử thắng kiện trong vụ tranh chấp nhãn hiệu với một công ty Trung Quốc. Đây là một quyết định gây khá nhiều bất ngờ, và cho thấy một chiến lược bảo vệ phù hợp có thể mang lại hiệu quả cao trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các công ty nước ngoài ở Trung Quốc.

Peppa Pig vốn là một nhân vật hoạt hình do Công ty eOne của Anh tung ra vào năm 2003 và nhanh chóng chiếm được sự yêu mến của các khán giả trẻ tuổi. Phim hoạt hình Peppa Pig được đưa vào trình chiếu ở Trung Quốc từ năm 2015, ngay sau khi nhãn hiệu Peppa Pig được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu ở đất nước vốn rất tai tiếng trong lĩnh vực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) này.

Tuy nhiên, nhãn hiệu Peppa Pig chỉ được đăng ký cho danh mục hàng hóa và dịch vụ giải trí (chương trình truyền hình, sách, trò chơi điện tử…). Trong khi đó, theo nguyên tắc chung của luật về SHTT, nhãn hiệu thường chỉ được bảo vệ trong phạm vi hàng hóa hay dịch vụ mà chủ sở hữu đã đăng ký. Nói cách khác, quyền sở hữu nhãn hiệu chỉ được đảm bảo nhằm tránh gây ra sự nhầm lẫn về nguồn gốc sản phẩm, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan với hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu.

Đó chính là vấn đề đau đầu mà chủ sở hữu nhãn hiệu Peppa Pig phải đối đầu trong vụ tranh chấp này. Cụ thể, từ năm 2019, sản phẩm đèn bàn, đèn ngủ sử dụng nhãn hiệu Peppa Pig được tung ra thị trường qua nền tảng thương mại Pinduoduo do Công ty Xunmeng của Trung Quốc điều hành. Nhận thấy quyền sở hữu nhãn hiệu của mình bị xâm phạm, Công ty eOne đã kiện Xunmeng cũng như người bán hàng ra tòa và đòi bồi thường.

Tuy nhiên, khó khăn đặt ra ở đây là sản phẩm đèn bàn, đèn ngủ mang nhãn hiệu Peppa Pig không hề có mối liên quan nào, cũng như không hề cạnh tranh với các sản phẩm, dịch vụ của eOne. Ở Trung Quốc, việc dùng nhãn hiệu nước ngoài cho các sản phẩm dịch vụ không liên quan với hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu là khá phổ biến. Khi phát hiện vi phạm, chủ sở hữu trước tòa lại rất khó có thể chứng minh rằng đã sử dụng hoặc đăng ký nhãn hiệu cho các loại mặt hàng dịch vụ “không liên quan” này – trong khi đó đây lại là điều kiện để có thể yêu cầu chấm dứt vi phạm quyền nhãn hiệu.

Đứng trước bài toán khó này, Công ty eOne đã chọn phương án xin tòa án công nhận Peppa Pig là nhãn hiệu nổi tiếng – vốn được bảo vệ ở một mức độ cao hơn nhãn hiệu “thường”. Theo luật Trung Quốc về nhãn hiệu, vị thế “nhãn hiệu nổi tiếng” có thể được công nhận bởi ba cơ quan có thẩm quyền, đó là bộ phận Kiểm định nhãn hiệu và bộ phận Đánh giá nhãn hiệu của CNIPA (Cục Sở hữu trí tuệ Trung Quốc) và một vài tòa án được Tòa án Tối cao chỉ định. Tất nhiên, vì quyết định của hai cơ quan nói trên của CNIPA chỉ có tính chất “hành chính”, nó sẽ phải được thông qua một lần nữa bởi tòa án. Cần phải chú ý là vị thế “nhãn hiệu nổi tiếng” chỉ có thể được công nhận khi có đơn của bên liên quan, chứ cơ quan có thẩm quyền không chủ động áp dụng luật liên quan tới nhãn hiệu nổi tiếng trong tranh chấp.

Để nhãn hiệu Peppa Pig được công nhận là nổi tiếng, Công ty eOne đã có chiến lược cụ thể thu thập “bằng chứng” cần thiết.

Theo điều 14 của Luật Nhãn hiệu Trung Quốc, một số tiêu chí được xem xét khi đánh giá một nhãn hiệu là nổi tiếng gồm mức độ người tiêu dùng bình thường hiểu biết về nhãn hiệu, thời gian sử dụng nhãn hiệu cũng như thời gian, phạm vi nhãn hiệu được quảng cáo tới người tiêu dùng, chứng nhận (nếu có) về việc nhãn hiệu đã từng được công nhận là “nổi tiếng” và bất cứ yếu tố nào khác liên quan tới danh tiếng của nhãn hiệu(1). Việc thu thập bằng chứng này là một công việc lâu dài và cần có sự phối hợp giữa công ty mẹ và chi nhánh quốc gia, cũng như với các đối tác Trung Quốc.

Một số bằng chứng được tòa án Trung Quốc ưu ái, như các chỉ số kinh doanh, hay bằng khen, vị trí xếp hạng do nhà nước, tổ chức hoặc truyền thông Trung Quốc thực hiện, bằng chứng về các chương trình quảng cáo trên báo chí hay truyền hình, các quyết định pháp lý hoặc hành chính trước đó liên quan tới nhãn hiệu (như xử phạt hành chính vi phạm quyền nhãn hiệu, quyết định liên quan tới việc phản đối đăng ký nhãn hiệu…). Một trong những điểm quan trọng là cần chứng minh được nhãn hiệu đã trở nên nổi tiếng ở Trung Quốc trước khi bị vi phạm, hoặc trước khi nhãn hiệu trùng được đăng ký bảo hộ.

Trở lại trường hợp nhãn hiệu Peppa Pig, trước những bằng chứng đưa ra, tòa án đã công nhận rằng đây là nhãn hiệu nổi tiếng và vì thế, việc sử dụng nhãn hiệu này cho sản phẩm đèn ngủ, đèn bàn có thể gây nhầm lẫn cho khách hàng về nguồn gốc sản phẩm, và do đó vi phạm quyền sở hữu nhãn hiệu Peppa Pig.

Điều này cho thấy, một khi nhãn hiệu đã được công nhận là “nổi tiếng”, thì mức độ bảo hộ cao hơn hẳn nhãn hiệu thường. Cụ thể, việc sử dụng nhãn hiệu đối với hàng hóa, dịch vụ không tương tự cũng bị coi là vi phạm quyền sở hữu nhãn hiệu, nếu như việc sử dụng này gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc, và ảnh hưởng tới lợi ích của chủ sở hữu nhãn hiệu. Tất nhiên, nhãn hiệu càng nổi tiếng thì phạm vi bảo vệ càng rộng. Ví dụ như nhãn hiệu Coca-Cola có thể được bảo vệ trong cả 45 nhóm hàng hóa dịch vụ của Thỏa thuận Nice.

Một trong những lợi thế khác của Peppa Pig, là một khi đã được Tòa án thành phố Thượng Hải công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng, thì các tòa án khác của Trung Quốc cũng sẽ sử dụng quyết định này trong các vụ tranh chấp khác sau này liên quan tới Peppa Pig. Xin công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng quả thực là một chiến lược rất thành công của Công ty eOne, vì số lượng nhãn hiệu nước ngoài được công nhận nhãn hiệu nổi tiếng ở Trung Quốc là khá ít ỏi.

Qua vụ thắng kiện của Peppa Pig, có thể thấy xin công nhận “nhãn hiệu nổi tiếng” là một tính toán hợp lý cho chủ sở hữu nhãn hiệu nước ngoài. Trong trường hợp không đủ điều kiện để được công nhận vị thế này, đăng ký nhãn hiệu ở nhiều nhóm hàng hóa dịch vụ khác nhau mang tính chiến lược có thể giảm nguy cơ bị mất nhãn hiệu vào tay những công ty thích lợi dụng danh tiếng nhãn hiệu nước ngoài để “ăn theo”.

(1) Xin nhấn mạnh là ở góc độ này luật của Trung Quốc có phần khác biệt với luật của Việt Nam. Trong khi điều 14 nói trên chỉ đề cập tới 4 tiêu chí cụ thể và tiêu chí số 5 là tiêu chí mang tính chất “mở”, cho phép sử dụng bất cứ bằng chứng nào khác, thì điều 75 Luật SHTT Việt Nam đưa ra 8 tiêu chí mang tính  “đóng”, có nghĩa là không chấp nhận bằng chứng nào khác so với các tiêu chí luật định.

 
NGUỒN:  Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
Link bài: Từ vụ…
https://www.thesaigontimes.vn/td/315417/tu-vu-peppa-pig–ung-pho-the-nao-voi-vi-pham-quyen-nhan-hieu-o-trung-quoc-.html
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *